• (647) 343-8928

  • 1756 St. Clair Ave West, Toronto ON M6N1J3

avatar

Lớn lên trong gia đình có người nát rượu có thể là một trải nghiệm đau thương. Như cảnh nhà cô bé Maya: người cha nghiện rượu rồi bạo hành người mẹ, cả thể xác lẫn tinh thần. Chứng kiến ​​vô số lần cha hành hạ mẹ, cô bé cứ tự hỏi tại sao cha mẹ của mình vẫn tiếp tục ở bên nhau.

Bà Pamela Cross, Giám đốc Pháp lý của Luke’s Place (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ cố vấn luật pháp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành) nói rằng tiến trình đi đến quyết định thoát khỏi mối quan hệ với kẻ bạo hành thường phức tạp hơn ta tưởng.

“Cô ấy rất sợ hãi. Người phụ nữ này có thể là một nhân viên giỏi giang ở nơi làm việc hay là một người mẹ tuyệt vời của các con; nhưng với chồng, cô ấy không phải là người phụ nữ mạnh mẽ đó – bởi kẻ bạo hành đã đe dọa “Tôi là người có quyền ở cái nhà này!”

“Vì vậy, để bước được bước chân đầu tiên ra khỏi cuộc hôn nhân đó thật vô cùng đáng sợ. Đây không chỉ giản dị là một cú đấm, một cái tát tai hay một trận cãi vã rồi quăng ném đồ đạc. Bạo hành gia đình là một dạng hành vi mà một bên càng ngày càng lấn lướt bên kia. Kẻ bạo hành sẽ khẳng định vị thế của mình đối với nạn nhân, dùng những thủ đoạn không chỉ làm đối phương sợ hãi mà còn ngầm đưa ra thông điệp rằng việc người vợ ra đi sẽ chẳng dễ dàng gì”.

MẮC KẸT SAU LẦN CỬA KHÓA

Theo dữ liệu của cảnh sát, năm 2019 ở Canada có hơn 22.000 trẻ em và thanh thiếu niên chịu cảnh bạo lực gia đình- tăng đáng kể so với con số 19.000 được ghi nhận vào năm 2018.

Có lần Maya đã gọi cảnh sát, sau khi cô bé chứng kiến ​​cảnh người cha túm tóc rồi xô ngã người mẹ của em.  Cảm thấy bất lực, cô bé lúc bấy giờ ở tuổi vị thành niên và đứa em trai muốn bảo vệ mẹ nên đã gọi 911. “Tôi chưa bao giờ ân hận vì đã gọi cảnh sát; tôi chỉ thấy căng thẳng vì đó là lần đầu tiên tôi đủ dũng khí làm chuyện đó”, Maya nói.

Thường thì nạn nhân bị bạo hành là người chủ động báo cảnh sát. Ở Canada, cảnh sát có nhiệm vụ buộc tội nếu thấy dấu hiệu của bạo lực gia đình. Cái khó là ở chỗ rất nhiều vụ bạo hành xảy ra trong các gia đình không phải bạo hành thể xác mà là dằn vặt nạn nhân về mặt tình cảm, tâm lý hoặc bạo hành bằng lời nói. Không có cáo buộc hình tội nào cho kiểu bạo hành này.

Trong suốt thời thơ ấu của Maya, cha của cô đã phải vào tù ba lần, nhưng cô nói rằng điều đó chẳng giúp bảo vệ mẹ mình khỏi bị ông ta ngược đãi được bao nhiêu- nhất là khi bà con họ hàng bên nội can dự và khuyên mẹ cô hãy để cha cô trở về chung sống. “Lúc đó tôi còn nhỏ nên chuyện rất khó; họ hàng sẽ ghé thăm rồi bảo: “đấy, ông ấy đã thay đổi”. Mẹ con tôi biết thật ra cha tôi vẫn chứng nào tật nấy, nhưng chúng tôi vẫn phải để cha về lại nhà. Họ hàng biết rõ ông ấy đang làm gì nhưng họ vẫn gây ép chúng tôi. Đó là lý do tại sao cha tôi cứ quay về hết lần này đến lần khác”.

LUẬT PHÁP LẠI LÀ MỘT CHƯỚNG NGẠI CHO PHỤ NỮ

Nạn nhân và những người thoát khỏi bạo lực gia đình phải đối mặt với vô số rào cản trong việc cố gắng rời bỏ kẻ ngược đãi họ, kể cả khi đã ra tòa. Việc họ mù mờ về luật pháp chính là một trong những rào cản lớn nhất, tạo cơ hội cho kẻ bạo hành gieo rắc vào đầu họ nỗi hoài nghi rằng ra đi là việc quá khó, hoặc dùng các biện pháp kiểm soát để buộc họ quay lại. Có nhiều lý do khiến nhiều phụ nữ không dám lên tiếng cho biết họ bị bạo hành, trong đó phải kể đến nỗi sợ hãi, xấu hổ và lo ngại
bị trả thù.

Một rào cản rất lớn của phụ nữ ở Ontario nói riêng và trên cả nước Canada nói chung là việc họ không có luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý. Vì vậy, bà Cross cho biết, từ 60% đến 80% trong số họ phải ra tòa chỉ có một mình. Điều đó có nghĩa là những phụ nữ này vừa phải đương đầu với các vấn đề tố tụng phức tạp, vừa phải tiếp tục đối mặt với sự hành hạ và đe dọa không dứt từ người phối ngẫu của họ.

SỐNG VỚI TỔN THƯƠNG TÂM LÝ

Maya nay đã trưởng thành, nhưng ký ức tuổi thơ vẫn quay về ám ảnh cô. Mặc dù cha cô hiện đã bỏ rượu và dần dà thay đổi, tình cảm cô dành cho cha rất mâu thuẫn. Đôi lúc mẹ cô khơi lại những năm tháng đau thương đã qua rồi nhắc nhở cô đừng để bất cứ gã đàn ông nào bạo hành mình. Maya vẫn tiếp tục chật vật đối phó với những hậu quả mà sự bạo hành của người cha đã để lại, nhưng cô hy vọng chuyện của cô sẽ góp phần xóa tan nghi ngại cho những ai thấy cần phải mạnh dạn rời bỏ kẻ bạo hành. Maya nói: “Tôi hiểu chuyện đó khó khăn đến dường nào, nhưng xin nhớ rằng quý vị không hề đơn độc”.

————–

Nạn nhân có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng nhất khi quyết định ra đi, hoặc nếu kẻ bạo hành nghĩ rằng nạn nhân muốn bỏ đi. Vì vậy, cần phải chắc chắn được rằng các nguồn hỗ trợ luôn có sẵn và dễ dàng tiếp cận cho bất cứ người nào quyết định lên tiếng nhờ giúp đỡ.

Tổ chức phi lợi nhuận Legal Aid cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình- những phụ nữ không đủ tiền mướn luật sư. Ngoài ra, Legal Aid còn cho biết để đối phó với vấn nạn bạo hành có chiều hướng gia tăng trong mùa dịch, tổ chức này đã bổ sung thêm nhiều luật sư nhằm hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho khách hàng.

THÔNG TIN CHUNG

  •  Đường dây hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành:
    o GTA: 416-863-0511
    o Số tổng đài tư vấn (miễn phí): 1-866-863-0511
    o Text # 7233 nếu quý vị dùng mạng di động Bell, Rogers, Fido hoặc Telus
  • myPlan Canada

    • myPlan Canada một công cụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành đưa ra quyết định về sự an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của mình.

CHO NHỮNG AI ĐANG CẦN TƯ VẤN PHÁP LÝ

  • Legal Aid Ontario
    • o Tổng đài tư vấn pháp lý miễn phí bằng 300 ngôn ngữ khác nhau: 1 800 668 8258
      o Dịch vụ tư vấn bảo mật dành cho nạn nhân bị bạo hành gia
      đình: 1-800-668-8258 (GTA: 416-979-1446)
  • Barbra Schlifer Commemorative Clinic
    • Văn phòng luật sư cung cấp đại diện pháp lý miễn phí về luật gia đình và luật nhập cư, cũng như các dịch vụ tư vấn và thông dịch cho phụ nữ bị bạo hành thể chất, tình dục hoặc tinh thần.
    •  Khu vực Toronto: 416-323-9149

THÔNG TIN VỀ NƠI TẠM LÁNH

Lược dịch từ loạt bài phóng sự điều tra:  https://toronto.citynews.ca/topic/behind-closed-doors/